TRƯỜNG TIỂU HỌC PHẠM TU TƯNG BỪNG TỔ CHỨC NGÀY HỘI ĐỌC SÁCH LẦN 2 VỚI CHỦ ĐỀ “TẾT SUM VẦY – XUÂN CHIA SẺ”

Thư viện là “trái tim của trường học”, là nơi những nhà tri thức tương lai lựa chọn sách báo; biết tìm tòi kiến thức và sử dụng kiến thức trong học tập. Đọc sách, không chỉ giúp ta mở mang trí tuệ mà còn cảm thấy tâm hồn mình như được thanh lọc và nhẹ nhõm hơn. Nguồn tri thức từ sách là hành trang quý báu để mỗi người chúng ta biết yêu thương, chia sẻ với nhau trong cuộc sống. Hơn nữa, trong những tháng ngày ấm áp, rực rỡ của mùa xuân có một dịp lễ rất đặc biệt đó chính là Tết Nguyên Đán. Theo phong tục cổ truyền của dân tộc Việt Nam ta, tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống hàng năm của nhân dân từ hàng ngàn đời nay. Đó là món quà tinh thần sâu sắc của mỗi người dân đất Việt, là điểm giao thời giữa năm cũ sắp qua và năm mới sắp đến.

Cứ mỗi dịp tết đến, dù ai có đi xa bất cứ nơi đâu, cũng đều mong muốn sớm được trở về sum họp bên gia đình, để ôn lại những chuyện vui buồn trong năm cũ, đồng thời “Tết” còn là dịp để tất cả mọi người cùng nhau đồng lòng chia sẻ, giúp đỡ với những người có hoàn cảnh khó khăn để họ đón một cái Tết ấm no, hạnh phúc. Với những ý nghĩa như vậy, ngày 1/2/2024, trường Tiểu học Phạm Tu long trọng tổ chức Ngày hội đọc sách với chủ đề “Tết sum vầy, Xuân chia sẻ”. Thông qua ngày hội này, các em HS sẽ được đến với những câu chuyện về phong tục tập quán ngày Tết, những nét tinh hoa đã được chắt lọc gìn giữ từ bao đời cho đến hôm nay như phong tục gói bánh chưng, trang trí lịch Tết, nặn tò he ngày Tết,…..

Mở đầu chương trình, cô Lê Thị Thu Hằng – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường đọc lời diễn văn khai mạc ngày hội đọc sách. Qua bài phát biểu của cô giáo, ta cảm nhận được những tình cảm của các thầy cô giáo dành tặng cho các con HS nhân dịp Tết đến xuân về.

Cô Lê Thị Thu Hằng đọc lời diễn văn khai mạc Ngày hội đọc sách

với chủ đề “Tết sum vầy – Xuân chia sẻ”

          Tiếp theo chương trình là một tiết mục vô cùng sôi động do các “vũ công nhí” của tập thể lớp 1E biểu diễn. Tiết mục múa “Tết ơi là Tết” đã mang đến không khí vui tươi, lan toả năng lượng rất tuyệt vời đến với Ngày hội đọc sách.

HS lớp 1E biểu diễn tiết mục múa “Tết ơi là Tết”

Từ xa xưa, Tết Nguyên Đán là ngày lễ truyền thống lớn nhất của người Việt, là thời điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới. Đây là ngày lễ quan trọng và mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp về truyền thống và văn hóa nước ta. Nhưng vì sao chúng ta lại có một ngày lễ đặc biệt như vậy, ngày lễ đó được xuất hiện như thế nào. Để giúp các bạn HS tìm hiểu về điều đó, tập thể lớp 3C giới thiệu cuốn sách “Sự tích Tết Nguyên Đán” của nhà xuất bản Dân trí thông qua một hoạt cảnh. Hoạt cảnh này đã nhắc nhở chúng ta nhớ về nguồn gốc của ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Bên cạnh đó, còn là sự ca ngợi truyền thống văn hoá tốt đẹp, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và lòng kính trọng người già, biết ơn tổ tiên. Và quan trọng hơn hết, là những người con đất Việt chúng ta phải biết giữ gìn và phát huy những nét truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Hoạt cảnh “Sự tích Tết Nguyên Đán” do các HS lớp 3C thể hiện

Tết Nguyên Đán – hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là: Tết. Tết cũng là dịp để tất cả mọi người tưởng nhớ và tri ân đến tổ tiên, nguồn cội đồng thời cũng là thời điểm hy vọng vào một năm mới an lành, sung túc, thuận lợi trong cả năm và gác lại mọi điều không may mắn trong năm cũ. Do vậy, vào dịp Tết, nhà nào cũng tất bật dọn dẹp, sắm sửa, trang hoàng nhà cửa cho thật đẹp, khiến những ngày trong dịp Tết Nguyên Đán thực sự là những ngày vui vẻ, hạnh phúc và ý nghĩa đối với tất cả mọi người. Chắc hẳn trong mỗi dịp Tết đến, xuân về ai ai trong mỗi chúng ta cũng muốn được trưng diện những bộ quần áo đẹp, những chiếc váy rực rỡ xúng xính, những chiếc áo vest lịch sự.  Và tiết mục trình diễn thời trang “Sắc Tết 2024” do những “siêu mẫu nhí” tài năng, duyên dáng đến từ lớp 1E trình diễn cũng đã thu hút được nhiều sự chú ý của HS trường TH Phạm Tu.

Màn trình diễn thời trang lôi cuốn từ các HS lớp 1E.

Những “siêu mẫu nhí” thật tự tin và phong cách.

Để hưởng ứng Ngày hội đọc sách chủ đề “Tết sum vầy – Xuân chia sẻ” trường Tiểu học Phạm Tu đã phát động rất nhiều các hoạt động bổ ích, ý nghĩa dành cho HS các khối lớp. Tất cả các hoạt đồng đều nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình từ các bậc PH, các thầy, cô giáo và các bạn HS trong toàn trường. Và những hoạt động trải nghiệm ý nghĩa trong chương trình Ngày hội đọc sách lần này là:

+ Hoạt động Gói bánh chưng – Khối 4

+ Hoạt động Nặn tò he – Khối 5

+ Hoạt động Làm lịch Tết – Khối 1,2,3

Mở đầu là một hoạt động vô cùng đặc trưng mỗi dịp Tết đến xuân về, đó chính là Gói bánh chưng. Cùng với sự hỗ trợ của các cô giáo chủ nhiệm các bạn HS khối lớp 4 sẽ thực hiện hoạt động gói bánh chưng ngày Tết.

Các bạn HS khối 4 cùng các thầy, cô giáo gói và trình diễn sản phẩm

những chiếc bánh chưng vô cùng ý nghĩa và đẹp mắt

Từ xa xưa, bánh chưng là một trong những món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán. Vào những ngày giáp Tết, các gia đình Việt thường có phong tục quây quần bên nhau cùng gói bánh chưng, đó là một nét đẹp văn hoá truyền thống lâu đời. Bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho đất. Hình ảnh chiếc bánh chưng trong mâm cỗ ngày Tết với ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn tới trời đất đã cho một năm mưa thuận gió hoà để mùa màng bội thu, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Không chỉ vậy, bánh chưng ngày Tết còn được bày lên trên bàn thờ để bày tỏ lòng hiếu kính của con cháu đối với ông bà, tổ tiên cùng những người đã khuất. Bánh chưng là bản sắc dân tộc, là nét đẹp ẩm thực truyền thống từ ngàn đời nay của người Việt đến bây giờ vẫn còn được lưu giữ. Bánh chưng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong dịp Tết Nguyên đán – dịp lễ trọng đại của cả dân tộc. Hi vọng rằng trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 này, sẽ có thật nhiều bạn HS trường Tiểu học Phạm Tu sẽ giúp gia đình gói những chiếc bánh chưng đầy ý nghĩa.

Tiếp theo chuỗi hoạt động của chương trình là hoạt động nặn tò he của các bạn học sinh khối lớp 5. Trong kí ức của biết bao thế hệ người Việt, tò he luôn là một món đồ chơi đặc biệt bởi nét tạo hình độc đáo và sắc màu rực rỡ. Tò he không chỉ đơn thuần là một món đồ chơi mà còn lưu giữ nét văn hoá dân gian từ xa xưa. Bột tò he được làm từ gạo nếp, gạo tẻ trộn đều, ngâm nước, sau đó xay nhỏ, nhào kĩ đến khi không dính tay rồi nắm thành từng nắm nhỏ đem luộc chín. Cách tạo màu hay người làm tò he gọi là “đấu màu” rất độc đáo bởi tất cả các màu sử dụng có nguồn gốc từ thực vật. Màu đỏ lấy từ quả gấc, màu vàng làm từ củ nghệ, màu xanh lấy từ lá riềng hoặc lá chàm, màu đen dùng cây nhọ nồi. Từ những màu sắc cơ bản này, người thợ còn pha chế, sáng tạo ra các màu trung gian khác thật hài hoà cho tò he. Năm tháng trôi đi, nhiều người vẫn mãi nhớ về những con tò he rực rỡ sắc màu, thơm mùi bột nếp. Có lẽ, trong tất cả những món đồ chơi, tò he được lưu dấu trong kí ức của nhiều người bởi sự bình dị, mộc mạc và tính nghệ thuật độc đáo. Tò he đã trở thành nét đẹp văn hoá dân gian, góp phần giáo dục cho nhiều thế hệ tuổi thơ về lịch sử, bản sắc văn hoá và cội nguồn dân tộc Việt. Mong rằng, nghề làm tò he sẽ luôn được lưu giữ và ngày một phát triển.

HS khối lớp 5 nặn và trình diễn sản phẩm: đồ chơi tò he

Và cuối cùng trong chuỗi hoạt động trải nghiệm cũng không kém phần độc đáo và lí thú, đó là hoạt động Làm lịch Tết của HS các khối lớp 1,2,3. Lịch là một vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt Nam. Lịch Tết không chỉ giúp chúng ta theo dõi thời gian, ngày tháng mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Lịch Tết mang lại may mắn, tài lộc cho gia chủ. Trên lịch, thường được in hình ảnh các vị thần, linh vật, hoa văn, hoạ tiết mang ý nghĩa tốt lành.

HS các khối lớp 1,2,3 vẽ và trình diễn tranh, lịch Tết

      Trong chương trình Ngày hội đọc sách, Hoạt động Giao lưu trả lời câu hỏi của Nhà sách Đinh Tị đã thu hút được đông đảo HS trường Tiểu học Phạm Tu tham gia. Các câu hỏi ban tổ chức đưa ra liên quan các chủ đề gần gũi với HS như: ngày Tết cổ truyền, các nhân vật, cuốn sách thiếu nhi,… Các bạn HS hào hứng tham gia trả lời và đã nhận được những phần quà hấp dẫn từ nhà sách trao tặng.

Với việc đề cao tinh thần “Tương thân tương ái, Lá lành đùm lá rách”, nhân dịp Tết đến xuân về,  trường TH Phạm Tu cũng có những suất quà nhỏ tặng cho các bạn HS có hoàn cảnh khó khăn để khích lệ tinh thần, động viên và tạo điều kiện tốt hơn cho các em HS có một cái Tết đầy đủ, ấm no hơn.

BGH nhà trường tặng quà Tết cho các HS có hoàn cảnh khó khăn

          “Nghe xuân sang thấy trong lòng mình chứa chan. Tiếng pháo vui vang đó đây ôi rộn ràng…” – đó là những câu hát vui tươi trong bài hát Đoản xuân ca do các thầy, cô giáo nhà trường biểu diễn trong Ngày hội đọc sách. Khi nghe lời bài hát, ta như cảm nhận rõ hơn không khí rộn ràng, náo nức của mùa xuân đang đến cận kề.

Vào ngày 19/1/2024 vừa qua, nhà trường đã tổ chức Ngày hội CNTT và STEM với các gian hàng trưng bày sản phẩm do chính tay các bạn HS trường TH Phạm Tu làm. Nhà trường đã trao các giải: giải Tiềm năng cho khối lớp 1; giải Sáng tạo cho khối lớp 2 và khối lớp 4; giải Ấn tượng cho khối lớp 3 và khối lớp 5.

Với những hoạt động vô cùng sôi nổi, ý nghĩa, Ngày hội đọc sách của trường Tiểu học Phạm Tu nhằm tôn vinh giá trị của sách và văn hoá đọc, khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách trong học tập cũng như trong đời sống. Bên cạnh đó, các hoạt động trải nghiệm trong chương trình còn giúp HS có thêm hiểu biết về ngày Tết cổ truyền của dân tộc, yêu hơn những nét đẹp văn hoá truyền thống của quê hương và cũng từ đó để giáo dục thế hệ trẻ luôn giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hoá dân tộc ta.