TRƯỜNG TIỂU HỌC PHẠM TU TỔ CHỨC HỘI THẢO SỬ DỤNG CÁC KĨ THUẬT DẠY HỌC TÍCH CỰC NHẰM THỰC HIỆN TỐT CHƯƠNG TRÌNH GDPT 2018

Ngày 30/8/ 2024, Trường Tiểu học Phạm Tu đã tổ chức buổi hội thảo “Sử dụng các kĩ thuật dạy học tích cực nhằm thực hiện chương trình GDPT 2018” cho 100% đội ngũ giáo viên nhà trường. Hội thảo nhằm chia sẻ những kiến thức, phương pháp, hình thức dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, mong muốn mang đến cho học sinh những tiết học hiệu quả và lý thú trước thềm năm học mới.

Đổi mới phương pháp dạy học trong đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại luôn là chủ đề thu hút được nhiều sự quan tâm của đội ngũ giáo viên mỗi dịp bắt đầu cho một năm học mới. Vậy làm thế nào để tập trung phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh? Thế nào là kĩ thuật dạy học theo hướng tích cực? Đó là điều mà Ban giám hiệu nhà trường luôn suy nghĩ, trăn trở.

Nhằm mục tiêu chia sẻ với giáo viên trong Nhà trường về kiến thức, phương pháp, hình thức dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, mong muốn mang đến cho học sinh những tiết học hiệu quả và lí thú, sáng ngày 30/8/2024, trường Tiểu học Phạm Tu đã tổ chức hội thảo “Sử dụng các kĩ thuật dạy học tích cực nhằm thực hiện chương trình GDPT 2018” cho 100% đội ngũ giáo viên Nhà trường.

Cô giáo Lê Thị Thu Hằng –  Hiệu trường Nhà trường phát biểu khai mạc hội thảo

Tại hội thảo có 4 tham luận đề cập đến kỹ thuật dạy học tích cực, cách tổ chức dạy học bằng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, dạy học dự án và nghiên cứu khoa học trong các môn học…

Mở đầu hội thảo, cô giáo Nguyễn Thanh Thúy – Đại diện khối 4 đã trình bày “Phương pháp KWL trong dạy học”. Bản tham luận đã nêu bật những tác dụng tích cực của phương pháp KWL đối với học sinh lớp 4.

Buổi hội thảo trở nên hào hứng hơn khi cô giáo Nguyễn Thị Trà My và Nguyễn Thị Ngọc trình bày về kĩ thuật “Mảnh ghép” và kĩ thuật sử dụng công nghệ trong dạy học.  Các thầy cô giáo trong nhà trường được hòa mình vào các trò chơi biến hóa đầy thú vị của khối 4 qua chủ đề “Ứng dụng kĩ thuật sử dụng công nghệ trong đổi mới dạy học”. Không chỉ với lứa tuổi học sinh Tiểu học, mà tất cả các cấp học, việc đưa công nghệ vào để tổ chức các trò chơi phù hợp trong tiết dạy luôn mang lại hiệu quả phát huy được tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh. Bên cạnh việc giới thiệu những quy trình thực hiện, phần trình bày phân loại các trò chơi của khối 4 đặc biệt thu hút và mang lại bầu không khí sôi động trong buổi tập huấn. Khối 4 đã khéo léo dẫn dắt các giáo viên tham gia trò chơi Liveworksheet và Plicker đầy sự hào hứng và sôi nổi. Phần thuyết trình đã thành công trong việc truyền cảm hứng cho các tiết học trong năm học mới.

Những trình bày về việc tổ chức các kĩ thuật dạy học tích cực như: “Lẩu băng chuyền”, “Khăn trải bàn”, “Phòng tranh” của khối 2 do cô giáo Nguyễn Phương Anh trình bày được đánh giá cao. Và đặc biệt, khối 2 đã chia sẻ những kinh nghiệm nhằm khắc phục các khuyết điểm đã được các đồng nghiệp ghi nhận. Hi vọng rằng các thầy cô giáo sẽ áp dụng hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực này trong các tiết giảng dạy của mình.

Những chia sẻ kinh nghiệm dạy học tích cực “Lẩu băng chuyền”, “Khăn trải bàn”, “Phòng tranh” của khối 2 do cô giáo Nguyễn Phương Anh trình bày

Đúng với chủ đề “Các phương pháp thu hút học sinh giúp giáo viên bắt đầu tiết học hiệu quả”, khối 1 cũng có sự khởi đầu bài thuyết trình của mình theo phong cách rất riêng và thu hút với 3 kĩ thuật: Lược đồ tư duy, Tia chớp và Xích xe tăng. Các phương pháp này giúp học sinh hào hứng, sẵn sàng để mở đầu cho những tiết học bổ ích và lí thú. Dưới sự dẫn dắt duyên dáng, cô giáo Nguyễn Hồng Ngân cùng các giáo viên khối 1 đã đưa đến buổi hội thảo những minh họa vô cùng chân thực, mang đến không khí sôi động nhưng cũng thật hiệu quả cho các thầy cô giáo tham dự.

Với tâm thế sẵn sàng thực hiện chương trình sách giáo khoa mới lớp 3 theo chương trình GDPT 2018, việc sử dụng các kĩ thuật dạy học tích cực nhằm nâng cao chất lượng dạy học là vô cùng cần thiết, đặc biệt phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi. Trong đó, khối 3 chú trọng áp dụng các kĩ thuật: Sử dụng mô hình cây vấn đề; PP động não; dạy học dự án.  Đây cũng là những kĩ thuật dạy học không khó nhưng mang lại hiệu quả cao trong các tiết dạy. Khối 3 lần lượt đưa ra các khái niệm, cách tiến hành, cũng như tác dụng của hai phương pháp thông qua những ví dụ cụ thể. Cách chia sẻ chi tiết này đã giúp ích rất nhiều cho giáo viên nhà trường trong thời gian sắp tới.

Khối 3 tham gia thuyết trình về Sử dụng mô hình cây vấn đề; PP động não; dạy học dự án trong các môn học lớp 3.

Phát biểu tham luận trong hội thảo, cô giáo Phùng Thị Thanh Mận đã trao đổi những khó khăn, trở ngại khi chuyển từ phương pháp dạy học truyền thống sang việc áp dụng các kĩ thuật dạy học hiện đại, tích cực. Theo cô, để có được sự thay đổi này, ngoài sự quan tâm của Ban Giám hiệu nhà trường, sự nỗ lực của học sinh thì còn cần đến sự tâm huyết, say mê và ứng dụng thành thạo CNTT của đội ngũ giáo viên.

Những giáo viên trong trường cùng chia sẻ những băn khoăn trong buổi hội thảo

Các nội dung thảo luận của các tổ khối chuyên môn thu hút nhiều sự chú ý của toàn thể giáo viên nhà trường. Dưới sự dẫn dắt của hai cô giáo Bùi Thị Minh Nguyệt và Nguyễn Thị Dung – Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, những ưu điểm cũng như tồn tại cần khắc phục của từng phương pháp được nhận định rất sắc bén. Những câu hỏi gợi mở về các tình huống sư phạm giả định rất thiết thực, bám sát thực tế giảng dạy, khiến các giáo viên vô cùng hào hứng. Từ đó, giáo viên nhà trường đã có trao đổi sôi nổi, nhiều ý kiến đóng góp, nhiều chia sẻ kinh nghiệm của toàn thể giáo viên đã được đưa ra. Những lời khen ngợi và những tiếng vỗ tay vang giòn sau mỗi câu trả lời, là minh chứng cho việc tất cả giáo viên tham gia buổi hội thảo đều tự tìm thấy cho mình những điều tâm đắc nhất.

Cô giáo Bùi Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Dung –  Phó Hiệu trưởng nhà trường tổng kết buổi hội thảo

Với những ý nghĩa cụ thể, thiết thực như vậy, Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo các tổ khối chuyên môn tiếp tục hoàn thiện các nội dung và những ví dụ minh họa cho các kĩ thuật dạy học để làm phong phú hơn kho học liệu dạy học của nhà trường. Đồng thời cũng mong muốn các đồng chí giáo viên sẽ áp dụng hiệu quả các kĩ thuật dạy học trong các giờ dạy hàng ngày, trong các tiết Hội giảng và trong các Hội thi giáo viên dạy giỏi để không ngừng nâng cao chất lượng dạy học góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2024 – 2025.