TRƯỜNG TIỂU HỌC PHẠM TU – HƯỞNG ỨNG CHƯƠNG TRÌNH “THÁNG NÓI KHÔNG VỚI NHỰA DÙNG MỘT LẦN”

HƯỞNG ỨNG CHƯƠNG TRÌNH

“THÁNG NÓI KHÔNG VỚI NHỰA DÙNG MỘT LẦN”

Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, nó đe dọa đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và nhiều hệ lụy khác mà con người phải gánh chịu. Vì vậy, việc giáo dục mỗi người có ý thức bảo vệ môi trường được coi là một giải pháp bảo vệ cho tương lai.

Đặc biệt là đối với rác thải nhựa : chai nhựa, túi ni-lông, hộp đựng đồ ăn, cốc… cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người trên toàn thế giới.

Việc sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa đối với người dân đang trở thành thói quen khó bỏ bởi tính tiện dụng mà ít ai quan tâm đến tác hại của nó. Ngoài ảnh hưởng đến môi trường như làm suy kiệt dinh dưỡng trong đất, tàn phá hệ sinh thái, gây ngập úng ở các đô thị, hủy hoại sinh thái biển và sinh thái sông hồ… túi nilon và rác thải nhựa còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về hệ tiêu hóa, hệ hô hấp và bệnh ung thư.

Theo khảo sát, tại Hà Nội, những quán cơm bình dân, cháo dinh dưỡng, thức ăn đường phố, siêu thị… tiêu thụ lượng lớn cốc, dĩa, thìa nhựa, hộp xốp, túi nilon mỗi ngày.  Chiếc túi nilon nhỏ bé và mỏng manh như vậy nhưng lại có quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm

Các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng những chất này không an toàn, có khả năng gây ung thư, tác động đến não làm chậm phát triển, gây viêm gan, rối loạn nội tiết và vô sinh. Thêm vào đó, BPA có thể dẫn đến sẩy thai và gây khó thụ thai cho phụ nữ. Nghiên cứu cũng cho thấy các chất độc được tìm thấy trong nhựa có thể gây dị tật bẩm sinh và các vấn đề phát triển ở trẻ em.

Hưởng ứng Chương trình “THÁNG NÓI KHÔNG VỚI NHỰA DÙNG MỘT LẦN”, trường Tiểu học Phạm Tu kêu gọi các con học sinh và gia đình cùng thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông thông qua việc mua sắm trong sinh hoạt, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường như túi vải, túi giấy…

Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống bằng những hành động nhỏ nhất như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng… với khẩu hiệu: HÀNH ĐỘNG NHỎ – THAY ĐỔI LỚN

Để hưởng ứng lễ phát động tháng nói không với nhựa dùng một lần, học sinh trường Tiểu học Phạm Tu đã có rất nhiều những sản phẩm tái chế.

(Giỏ cây cảnh được làm từ vỏ chai nhựa)

(Những chiếc lồng đèn xinh xắn được tái chế từ vỏ chai)

(Lọ cắm bút được làm từ vỏ chai nhựa)

(Chiếc giỏ được các bạn học sinh tái chế từ vỏ can nhựa)

Qua chương trình, nhà trường mong muốn hình thành trong các bạn học sinh trường Tiểu học Phạm Tu suy nghĩ và thói quen từ chối nhựa dùng một lần, thay thế bằng việc sử dụng các sản phẩm thân thiện tới môi trường; thiết lập thói quen tiêu dùng xanh, bền vững ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.