Hòa trong không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô (1954 -2024) và chào mừng 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2982 – 20/11/2024), vào chiều thứ Bảy ngày 16/11/2024 tại trường Tiểu học Chu Văn An, ba nhà trường gồm: trường Tiểu học Phạm Tu – huyện Thanh Trì và trường Tiểu học Chu Văn An, trường Tiểu học Hoàng Liệt – thuộc quận Hoàng Mai đã tổ chức hội thảo nhằm chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục với mục tiêu: Nhà trường cùng chung tay phát triển – Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Tất cả các thầy, cô giáo tham dự hội thảo chụp ảnh kỉ niệm
Ban Giám hiệu trường Tiểu học Phạm Tu chụp ảnh kỉ niệm tại Hội thảo tổ chức ở trường Tiểu học Chu Văn An – quận Hoàng Mai
Để tăng cường các hoạt động kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, buổi hội thảo chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm phát huy năng lực và phẩm chất cho học sinh, các cô giáo đến từ ba nhà trường đã chia sẻ những kinh nghiệm rất bổ ích:
Cô giáo Nguyễn Thị Hà – GVCN của khối lớp 4 trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai trình bày về đề tài “Giáo dục tài chính cho học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm”. Đối với mỗi thầy cô giáo, tưởng chừng việc giáo dục tài chính là một việc làm tương đối xa vời đối với các con học sinh tiểu học nhưng khi được nghe những nội dung mà cô giáo Hà chia sẻ trong buổi hội thảo thì các thầy, cô giáo tham dự hội thảo thấy việc làm này thực sự là cần thiết để học sinh có ý thức sử dụng tài chính hợp lí không chỉ từ bây giờ mà cho tới sau này, khi các con lớn khôn, trưởng thành. Với những hoạt động trải nghiệm, các em học sinh lớp cô chủ nhiệm được tự tay trồng, chăm sóc những cây lá lốt trong khu vườn trường rồi hàng tháng, các em sẽ thu hoạch và bán . Số tiền sau khi bán được các em gửi tiết kiệm, ủng hộ những bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp, trong trường. Với đề tài của mình, cô Hà không chỉ giáo dục các em học sinh về tinh thần tương thân, tương ái, sẻ chia trong cộng đồng mà cô còn dạy các em biết cách chi tiêu tiết kiệm, hợp lí. Với những tâm huyết của mình, đề tài của cô Hà đã nhận dược nhiều lời khen ngợi từ các thầy cô giáo trong Hội thảo.
Cô giáo Nguyễn Thị Hà trình bày sáng kiến tại Hội thảo
Với đề tài: “Tích hợp video, âm thanh, hình ảnh đa phương tiện, trò chơi học tập và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (ChatGPT) trong thiết kế kế hoạch bài dạy môn Tiếng Việt phát huy năng lực cho học sinh” cô Nguyễn Phương Anh – trường Tiểu học Phạm Tu, huyện Thanh Trì đã mang đến Hội thảo những kinh nghiệm quý báu mình tích lũy được trong quá trình giảng dạy. Việc tích hợp video, âm thanh, hình ảnh đa phương tiện, trò chơi học tập và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (ChatGPT) trong thiết kế kế hoạch bài dạy không chỉ giúp học sinh học tập hiệu quả hơn mà còn làm tăng sự hấp dẫn, sáng tạo của học sinh trong quá trình học, tạo ra môi trường học tập linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của giáo dục ngày nay.
Cô giáo Nguyễn Phương Anh trình bày sáng kiến tại Hội thảo
Không khí của buổi Hội thảo càng trở nên hào hứng hơn khi cô giáo Nguyễn Hồng Ngân – trườngTiểu học Phạm Tu, huyện Thanh Trì trình bày cách “Sử dụng các kỹ thuật dạy học tích cực khi thực hiện Chương trình GDPT 2018”. Theo cô Ngân, kĩ thuật này có thể áp dụng được trong nhiều môn học vì ở mỗi lần di chuyển, học sinh được bắt cặp với một bạn mới tạo được sự sinh động, hào hứng trong tiết học, giúp học sinh tiếp thu bài chủ động hơn
Cũng trong buổi Hội thảo này, cô giáo Nguyễn Thị Trà My cùng cô giáo Nguyễn Phương Thảo – trường Tiểu học Phạm Tu đã trình bày đề tài “Ứng dụng Công nghệ thông tin trong dạy học”. Các cô giáo đã mang lại bầu không khí sôi động trong buổi hội thảo thông qua trò chơi Plicker với các câu hỏi liên quan đến tiên triết Chu Văn An, ngày thành lập Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô và những câu hỏi liên quan đến Nghị quyết 03/2014/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Với những chia sẻ của mình, hai cô giáo hi vọng các thầy cô trong Hội thảo sẽ ứng dụng nhiều hơn nữa công nghệ thông tin trong dạy học để mang lại những tiết học thú vị và bổ ích cho các em học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Trà My trình bày sáng kiến
Cô giáo Bùi Thúy Huệ – trường Tiểu học Hoàng Liệt cũng mang đến Hội thảo kinh nghiệm “Rèn nề nếp cổng trường an toàn – học sinh tích cực”. Việc rèn nề nếp ở cổng trường là một việc làm hết sức cần thiết của mỗi nhà trường bởi điều này vừa đảm bảo an toàn giao thông, kiểm soát sự ra vào trường vừa phòng ngừa được các sự cố ngoài ý muốn. Việc tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra khỏi trường còn giúp học sinh hình thành thói quen kỷ luật, tinh thần tự giác.
Cô giáo Bùi Thúy Huệ trình bày sáng kiến
Buổi Hội thảo chia sẻ sáng kiến kinh nghiệm giữa ba nhà trường không chỉ là dấu ấn đẹp trong tiến trình chia sẻ tri thức mà còn là động lực để thầy, cô giáo không ngừng sáng tạo, đổi mới và cống hiến hết mình vì sự phát triển của thế hệ trẻ và nền giáo dục của nước nhà. Chúc cho các hoạt động hợp tác giữa trường Tiểu học Phạm Tu, trường Tiểu học Chu Văn An, trường Tiểu học Hoàng Liệt sẽ ngày càng phát triển và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.