NHÀ GIÁO BÙI THỊ MINH NGUYỆT “NGỌN NẾN” THẮP SÁNG ƯỚC MƠ CHO BIẾT BAO ĐỒNG NGHIỆP, BIẾT BAO THẾ HỆ HỌC TRÒ DƯỚI MÁI TRƯỜNG TIỂU HỌC PHẠM TU

 

“Một thầy giáo tốt như một ngọn nến – ngọn nến cháy để soi đường cho những người khác”. Không hiểu sao mỗi lúc ngẫm nghĩ về câu nói ấy, trong lòng tôi và các đồng nghiệp trong trường lại nghĩ đến “ngọn nến” đã kiên nhẫn, âm thầm giữ lửa để thắp sáng ước mơ cho biết bao thế hệ học trò, biết bao đồng nghiệp dưới mái trường Tiểu học Phạm Tu. “Ngọn nến” tôi muốn nói đến chính là cô Bùi Thị Minh Nguyệt – Phó hiệu trưởng nhà trường – một tấm gương tiêu biểu trong trường với sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, với lòng nhiệt tình và giàu lòng nhân ái.

Những năm qua, cùng với đồng chí Hiệu trưởng, cô đã xây dựng Hội đồng sư phạm nhà trường thành một tập thể đoàn kết, trí tuệ, dân chủ, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm. Cô đi đầu trong việc vận dụng nhiều phương pháp mới để nâng cao chất lượng giáo dục và đổi mới quản lý. Để công tác quản lý đạt hiệu quả cao, ngoài trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, bản thân cô tự trau dồi chuyên môn, tham gia nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý; các lớp tập huấn do ngành giáo dục tổ chức để nắm bắt tình hình, cải tiến công tác quản lý tại đơn vị mình. Nhờ vậy, trong những năm qua công tác quản lý của trường luôn thường xuyên được đổi mới một cách rõ rệt. Ngoài ra, cô còn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, viết sáng kiến chuyên môn …để nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường. Cô đặc biệt quan tâm tới đội ngũ giáo viên trẻ. Cô dành nhiều thời gian tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm để những giáo viên trẻ chúng tôi trau dồi chuyên môn, vững tay chèo đưa các con đò qua sông.

Là một cán bộ quản lí, cô luôn đề cao trách nhiệm chủ động trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cô đã chỉ đạo đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành giáo dục, trong đó nổi bật là phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”… Từ những lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng đầy trách nhiệm đến những cử chỉ nhỏ nhất trên sân trường như: tự tay nhặt giấy loại bỏ vào thùng rác, tạo thành thói quen cho mỗi thầy cô giáo, học sinh nhà trường; rèn nếp ăn bán trú; đến ý thức tham gia các hoạt động tập thể, cô đều quán triệt và gương mẫu thực hiện.

Một điều đáng quý hơn cả, đó là tình cảm mà cô dành cho đồng nghiệp, một sự lắng nghe chia sẻ và cảm thông sâu sắc. Dù trong cuộc họp, hay giao tiếp với mọi người hằng ngày, người ta ít thấy cô dùng những từ mỹ miều hoặc đao to búa lớn. Có khi gặp những việc căng thẳng cô vẫn giữ được thái độ và lời lẽ rất mực bình tĩnh, tự tin. Cô luôn dành thời gian động viên, quan tâm, hỏi han đến từng cán bộ giáo viên trong trường. Đôi lúc chỉ là sự thay đổi nhỏ của các giáo viên, cô cũng nhận ra nhanh chóng để có những tác động kịp thời, giúp đỡ, động viên mọi người. Tôi thật may mắn khi được là đồng nghiệp của cô. Cô luôn nhiệt tình giúp đỡ, chỉ bảo những giáo viên trẻ mới ra trường như chúng tôi cả về kiến thức chuyên môn lẫn những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tôi đã học tập được nhiều từ cách làm việc chuyên nghiệp, cẩn thận và chu đáo của cô. Cô luôn xứng đáng là tấm gương sáng về người giáo viên sống và học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tất cả dù là đồng nghiệp hay học sinh đều được cô tôn trọng như nhau với phương châm “Luôn luôn lắng nghe và luôn luôn thấu hiểu”.

Với suy nghĩ “Làm thế nào để các con học sinh đến trường mỗi ngày thực sự là một ngày vui?”, cô đã phối kết hợp với giáo viên Tổng phụ trách tổ chức các hoạt động trải nghiệm rất thú vị và bổ ích với nhiều chủ đề khác nhau như: ngày hội đọc sách, ngày hội công nghệ thông tin và STEM, lễ hưởng ứng ngày pháp luật, .… nhằm giáo dục, rèn kĩ năng cho học sinh. Qua đó, ta thấy được hình ảnh một nhà giáo luôn quan tâm, yêu thương học sinh, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, hết lòng vì những “mầm non tương lai của đất nước”.


Đặc biệt hơn cả, cô luôn là ngọn đuốc thắp sáng lên tình nhân ái trong các hoạt động từ thiện nhân đạo, kết nối những trái tim yêu thương, sự sẻ chia đến mọi người dân trên khắp miền tổ quốc khi họ gặp thiên tai, dịch bệnh hoành hành. Cô luôn gương mẫu và truyền sự chia sẻ ấy đến mọi người để cùng nhau thực hiện và sẻ chia với họ. Trong đợt ủng hộ các nạn nhận trong vụ cháy chung cư mini toàn trường Tiểu học Phạm Tu đã ủng hộ được 86.227.000 đồng tiền mặt; hay trong phong trào ủng hộ “Tết vì người nghèo năm 2024” của Hội chữ thập đỏ Huyện phát động, cô đã kêu gọi đội ngũ CB – GV – NV và học sinh toàn trường ủng hộ với số tiền là 29.883.000 đồng.

Trong nhiều năm công tác, với những việc mà cô đã làm được, cá nhân cô đã nhiều lần được nhận giấy khen, bằng khen của Chủ tịch UBND huyện, của Đảng bộ huyện Thanh Trì và liên tục đạt các danh hiệu chiến sĩ thi đua qua các năm học.




Đối với chúng tôi, cô không chỉ là một người lãnh đạo nhiệt huyết tận tâm đầy năng lực mà còn là một tấm gương sáng để chúng tôi học tập. Gần 30 năm cống hiến hết mình cho sự nghiệp “Trồng người” cao quý, bằng sự nỗ lực thầm lặng của mình, cô cùng Ban giám hiệu nhà trường đã đưa tập thể Trường tiểu học Phạm Tu vươn lên đạt được nhiều thành tích, nhiều thành công rực rỡ.
Đúng như những câu hát “Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi, có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương, có những bài ca nghe rạo rực lòng người. Bài ca ấy, loài hoa ấy đẹp như em – người giáo viên nhân dân” – giai điệu nhẹ nhàng của bài hát “Bài ca người giáo viên nhân dân” vang lên đâu đó làm tâm hồn tôi càng thêm phơi phới. Chúng tôi – những nhà giáo trẻ đang tiếp bước con đường của các thế hệ đi trước – luôn tự nhủ sẽ noi theo tấm gương của cô – cô giáo Bùi Thị Minh Nguyệt, luôn cố gắng hết mình để cống hiến nhiều hơn cho mái trường Tiểu học Phạm Tu thân thương này.