GIỚI THIỆU SÁCH THEO CHỦ ĐỀ, CHỦ ĐIỂM Ở TIỂU HỌC – DỄ THỰC HIỆN VÀ CÓ HIỆU QUẢ – NĂM HỌC 2021-2022

Giới thiệu sách theo chủ đề, chủ điểm  không chỉ giúp bạn đọc biết, hứng thú tìm đến sách báo để hình thành thói quen đọc sách mà còn làm phong phú thêm các hoạt động của thư viện. Với cách tổ chức đa dạng các hình thức giới thiệu còn giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng thuyết trình, viết vẽ, kể chuyện… cảm nhận về tác phẩm được tốt hơn.

Trong trường học, việc giới thiệu và tuyên truyền sách báo cho giáo viên và học sinh có vị trí quan trọng trong công tác thư viện nhằm giúp bạn đọc biết được nội dung sách báo trong thư viện để có kế hoạch cho việc sử dụng. Muốn thu hút bạn đọc thường xuyên đến đọc sách tại thư viện thì ngoài các yếu tố như nhiều sách hay, đa dạng về thể loại sách, báo, cơ sở vật chất, phòng đọc thoáng mát, rộng rãi, …thì việc giới thiệu sách phải thực hiện thường xuyên. Thông thường giới thiệu sách được thực hiện khi có sách mới và giới thiệu sách theo chủ đề, chủ điểm.

Đối với học sinh Tiểu học việc giới thiệu sách qua chủ đề, chủ điểm theo tháng còn giúp học sinh nhớ lại các ngày lễ lớn hay các mốc Lịch sử…

+ Tháng 9: Giới thiệu tài liệu học tập; Sách giáo dục ATGT

+ Tháng 10: giới thiệu sách vê Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10

+ Tháng 11: Giới thiệu sách về thầy, cô giáo

+ Tháng 12: giới thiệu sách vê Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12

+ Tháng 1: Giới thiệu tài liệu học kỳ 2

+ Tháng 2: Giới thiệu sách:Nghi lễ – Phong tục dân gian.. về tết cổ truyền

+ Tháng 3: Giới thiệu sách theo chủ đề 8/3, 26/3

+ Tháng 4: Giới thiệu sách theo chủ đề 30/4

+ Tháng 5: Giới thiệu sách Kể chuyện Bác Hồ.

Khi thực hiện giới thiệu sách ta có thể linh hoạt sử dụng các hình thức sau:

– Tuyên truyền miệng:

+ Đọc to nghe chung

+ Điểm sách

+ Kể chuyện theo sách

+ Giới thiệu sách

+ Thi vui đọc sách

+ Hội nghị bạn đọc

+ Đố vui văn học

– Tuyên truyền trực quan:

+ Triển lãm sách

+ Biểu ngữ thư viện                               

Để gây hứng thú và giúp bạn đọc dễ tiếp nhận thông tin từ sách báo ngoài những yêu cầu bắt buộc của một bài giới thiệu sách ta có thể lồng ghép các câu thơ, bài hát, câu chuyện vui phù hợp với chủ đề chủ điểm và đối tượng học sinh. Việc tổ chức giới thiệu sách được diễn ra không nhất thiết bố trí một thời gian cố định mà có thể lồng ghép vào tổ chức hoạt động giáo dục như vào buổi sinh hoạt dưới cờ hoặc phát thanh Măng non…

Mặt khác để gây hứng thú và giúp bạn đọc dễ tiếp nhận thông tin từ sách báo cần giới thiệu có thể lồng ghép các câu thơ, bài hát, câu chuyện vui phù hợp với chủ đề chủ điểm và đối tượng học sinh.

Đặc biệt với: Chủ đề ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 – Cuốn sách “Tình thầy trò” được chúng tôi lựa chọn giới thiệu trong dịp này đã để lại dấu ấn đặc biệt và thu hút được đông đảo các bạn tìm đọc.

Khi tóc thầy bạc tóc em vẫn còn xanh

Khi tóc thầy bạc trắng chúng em đã lớn khôn rồi

Thời gian trôi nhanh mau …”( Cho nghe bài hát “Khi tóc thầy bạc trắng”)

Bài hát “Khi tóc thầy bạc trắng” – Là lời tri ân của nhạc sĩ Trần Đức đối với người thầy giáo cũ của mình. Thầy giáo như một người lái đò tiễn khách qua sông, bao nhiêu lứa tuổi học trò đã rời mái trường cũ khám phá những chân trời mới, thầy giáo ở lại với phấn trắng, bảng đen. Bẵng đi bao nhiêu năm, một ngày kia khi học trò trưởng thành, tìm về quê hương, gặp lại thầy giáo cũ mới ngậm ngùi nhận ra mái tóc thầy đã bạc trắng. Vâng, Nghề giáo được coi là nghề lái đò thầm lặng, …làm tôi nhớ ngay đến cuốn sách “Tình thầy trò”;

Với những kí ức ngọt ngào và từng kỉ niệm sâu lắng trong con tim của mỗi học sinh thì hình ảnh người thầy vẫn toả sáng như vầng trăng trên thảo nguyên bao la. Thầy mãi mãi là ngọn nến lung linh, là ngôi sao sáng nhất trong đêm tối, là ánh trăng rằm dẫn lối em đi;

Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thư viện trường Tiểu học Phạm Tu giới thiệu đến các em cuốn sách “Tình thầy trò”. Những trang sách mở ra sẽ đồng hành với các em trên con đường khám phá điều kỳ diệu của trái tim – nơi trú ngụ của tình yêu và những điều bí ẩn, ngọn nguồn của hạnh phúc và sự sẻ chia…

Với 95 trang sách, khổ 12 x 21cm của Nhà xuất bản trẻ, tác giả Nguyễn Hạnh và Trần Thị Thanh Nguyên. “Tình thầy trò” gồm 11 câu chuyện kể về tình cảm thầy trò trong môi trường học đường, trong cuộc sống thường ngày.

Mỗi trang sách mở ra như những thước phim quay chậm làm cho bạn đọc thấy bồi hồi xúc động với “Tập lưu bút”,  khi chia tay với tuổi học trò ai cũng sẽ để lại những dòng lưu bút và nói lên tâm trạng của mình, thổ lộ tình cảm của mình dành cho trường lớp, thầy cô và bạn bè. Hay “Lời phê”, trong mỗi chúng ta không ai tránh được sự hồi hộp nho nhỏ khi được trả bài kiểm tra vì ngoài điểm số ra còn có lời phê của cô giáo. Để biết cách đọc sách đúng và mang lại hiệu quả cao nhất chúng ta không thể nào bỏ qua câu chuyện “ Cô thủ thư”…, Và trong mỗi câu chuyện các tác giả đã đưa ra những tình huống thú vị, để rồi cuối mỗi câu chuyện là một cách giải quyết hay, đúng để tháo gỡ những tình huống đó. Sau mỗi câu chuyện là “Một chút suy tư” mà tác giả đã đúc kết lại để cho chúng ta một bài học, một lời khuyên tốt để chúng ta học hỏi, áp dụng trong cuộc sống thực tế ở môi trường học đường. Mỗi câu chuyện sẽ đem đến cho các em những nội dung khác nhau tuy không xa xôi nhưng lại rất hấp dẫn và gần gũi với cuộc sống hằng ngày.

Cô hy vọng cuốn sách sẽ giúp các em tìm thấy sự đồng cảm qua những câu chuyện kể, đem tình yêu thương, lòng nhân ái của mình đến với mọi người và nhớ về ngọn lửa ấm áp luôn bùng cháy giữa những ngày giá lạnh của mùa đông – đó chính là tình cảm thầy trò …

Tháng năm dầu dãi năng mưa

Con đò trí thức thầy đưa bao người

Qua sông giữ lại nụ cười

Tình yêu xin tặng người thầy kính thương.
Con đò mộc – mái đầu sương
Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày

Khúc sông ấy vẩn còn đây

Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông

          Nhân nhịp kỳ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 /11,  kính chúc quý thầy cô sức khoẻ, hạnh phúc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình; chúc các em học tập tốt xứng đáng là Con ngoan trò giỏi để không phụ lòng mong đợi của thầy cô và bố mẹ.

Hay giới thiệu sách về chủ đề 22/12 Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam thì ta có thể viết về các cuốn sách nói về anh bộ đội Cụ Hồ như “Ký ức chiến tranh” của tác giả Thầy giáo Vương Khả Sơn…

Chiến tranh đã đi qua. sự ấm no, hạnh phúc đã xoa dịu dần vết thương đau nhưng không xoá nổi, những vết sẹo trên cơ thể người lính, người dân, những vết sẹo trong thiên nhiên, những vết sẹo trong từng trang lịch sử… Nếu ai đó đã từng quên, nếu thế hệ chúng ta không biết đến chiến tranh thì hãy đến với từng trang sách đầy máu lửa về những thời chinh chiến qua các cuốn: Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại thắng mùa xuân 1975, về gương các anh hùng dân tộc, các danh nhân, các liệt sỹ, các chiến sỹ chiến đấu quên mình: Tuổi trẻ Thành Đồng, Cù Chính Lan, Phan Đình Giót, La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Bá Ngọc, Nguyễn Văn Trỗi, Đoàn Văn Luyện, Hồ Văn Miên… Đất rừng Phương Nam, Đội du kích thiếu niên Đình Bảng… để hiểu về những năm tháng hào hùng của dân tộc.

Đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc hình ảnh người vệ quốc quân trong kháng chiến chống Pháp và anh giải phóng quân trong thời chống Mỹ là hình tượng, là tâm điểm của lòng khâm phục, sự kính trọng, niềm tự hào, tình yêu thương của không chỉ nhân dân Việt Nam mà là của toàn thế giới…

“ Khắp năm châu chân lý đang nhìn theo

Bóng anh đi….

Và vành mũi tai bèo… của anh đó…

Bởi các anh, những người Việt Nam chân đất, đầu trần đã đứng lên đánh tan hai kẻ thù xâm lược mạnh nhất thế giới Pháp và Mỹ, đã làm nên chiến tích kỳ diệu. Và hôm nay, chuẩn bị kỷ niệm ngày 22/12 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam cô sẽ giới thiệu với các em cuốn sách của một người thầy giáo quê ở Hà Tĩnh, nguyên là chuyên viên Sở GD-ĐT Hà Tĩnh. Thầy chính là một trong những người lính đã góp máu mình viết nên trang sử hào hùng của dân tộc.

Các em ạ!

Đến với cuốn sách này, các em sẽ thấm thía sự gian khổ, sự khắc nghiệt, sự mất mát hi sinh với những cuộc hành quân xuyên rừng vượt suối, trèo dốc leo đèo.

Dốc lên thăm thẳm dốc khúc khuỷu

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.

Với những cái mệt “Ta tắm thân ta bằng mồ hôi của chính mình” và những giây phút hiểm nguy: bị thương, nằm 2-3 ngày giữa làn đạn giặc trên trận địa: “Thân đau nhói, nặng trịch, cơn đói quặn lòng và cơn khát lại kéo đến. Tôi rút dao găm khoét vào đất rồi úp mặt vào đấy hít mạnh mong tìm chút hơi nước, nhưng chẳng ăn thua… Tôi nắm cổ chân trái gần chỗ bị thương nhấc lên nhưng đau quá và rất nặng. Tôi hoàn toàn mất hết khả năng định hướng và vô thức trước thời gian và không gian…”

Tôi  huơ tay trên cỏ cho sương đêm dính vào cánh tay rồi liếm lấy từng giọt nước mát lạnh, ngọt ngào…”

Gian nan, khốc liệt là thế nhưng cuộc sống người lính trẻ đâu thiếu niềm vui, tiếng cười trẻ trung, tiếng hát trầm hùng luôn ngân vang theo chặng đường hành quân suốt dọc dài đất nước và đó là vũ khí tinh thần giúp người lính có đủ nghị lực, đủ dũng khí làm nên những chiến công anh liệt, hiển hách đã trở thành tâm điểm của thời đại. Họ đã khắc lên những vết son chói lọi trong trang sử vàng của dân tộc.

Mời các em hãy tìm đọc “Ký ức chiến tranh” một cuốn sách như cuốn phim quay chậm về hình ảnh oai hùng hoàng tráng của những người lính, những anh bộ đội Cụ Hồ mà tác giả Vương Khả Sơn ghi lại. Cuốn sách là hình ảnh thu nhỏ cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Một bước quan trong sau khi đọc xong, thư viện trường muốn đón nhận những cảm xúc của bạn đọc về nội dung cuốn sách đó qua bài viết, bài vẽ, bài hát,… về nhân vật trong cuốn sách,…Chính việc tổ chức giới thiệu sách theo chủ điểm đã phần nào giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện và cụ thể từng chủ đề nên cảm xúc về tác phẩm sâu sắc hơn.

Như vậy, giới thiệu sách theo chủ đề, chủ điểm như trên không chỉ giúp bạn đọc biết, hứng thú tìm đến sách báo để hình thành thói quen đọc sách mà còn làm phong phú thêm các hoạt động của thư viện. Với cách tổ chức đa dạng các hình thức giới thiệu còn giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng thuyết trình, viết vẽ, kể chuyện…cảm nhận về tác phẩm được tốt hơn.

Người viết: Nguyễn Phương Anh

Trường Tiểu học Phạm Tu – Thành phố Hà Nội