TẬP HUẤN CHUYÊN MÔN VỀ THÔNG TƯ 27/2020/TT-BGDĐT

Năm học 2024 – 2025 là năm học thứ 5 nhà trường triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5. Nhằm mục đích tập trung đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường, ngày 13/09/2024 trường Tiểu học Phạm Tu tổ chức buổi tập huấn chuyên môn với 2 nội dung:
1. Triển khai nội dung Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học.
2. Xây dựng ma trận đề, thiết kế đề kiểm tra định kì theo ma trận, theo các tiêu chí, mức độ quy định về việc hướng dẫn đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 27/2020/TT- BGDĐT.
Buổi tập huấn được dẫn dắt bởi hai đồng chí Bùi Thị Minh Nguyệt và đồng chí Nguyễn Thị Dung – Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng sự có mặt đông đủ các đồng chí giáo viên trong hội đồng sư phạm.

Tại buổi tập huấn, đồng chí Bùi Thị Minh Nguyệt đã chia sẻ về một số nội dung của thông tư 27/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:
Lộ trình đánh giá học sinh tiểu học:
– Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1
– Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2
– Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3
– Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4
– Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5.
Thực hiện thông tư 27 trong việc đánh giá, nhận xét học sinh:
– Nội dung đánh giá
– Phương pháp đánh giá
– Đối tượng tham gia đánh giá:
– Mức độ đánh giá
– Hồ sơ đánh giá
– Khen thưởng
Một số điểm mới trong thông tư 27:
– Hiệu trưởng tặng danh hiệu Học sinh Xuất sắc hoặc danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập, rèn luyện, HS có thành tích đột xuất.
– Giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt.
Ngoài ra, còn có các nội dung về: Phương pháp đánh giá nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học; Đánh giá thường xuyên; Đánh giá định kì; Sử dụng kết quả đánh giá và hồ sơ đánh giá; …
Có thể nói rằng, bất kì khâu nào của quản lí giáo dục cũng cần tới đánh giá. Thực hiện theo nghị quyết 29-NQ/TW: “Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan”, trong bối cảnh của Việt Nam, việc chuyển từ chú trọng đo lường bằng điểm số kết quả tiếp thu kiến thức sang đánh giá toàn diện phẩm chât, năng lực học sinh sẽ có tác động đến tất cả các yếu tố khác của CTGDPT.

Tiếp theo chương trình của buổi tập huấn, đồng chí Nguyễn Thị Dung – Phó Hiệu trưởng đã hướng dẫn các đồng chí giáo viên trong trường thiết kế đề kiểm tra định kì theo ma trận, theo các tiêu chí, mức độ quy định về việc hướng dẫn đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 27/2020/TT- BGDĐT.

Một trong những điều đổi mới nổi bật trong Thông tư 27/2020/T-BGDĐT là các câu hỏi/bài tập trong bài kiểm tra định kỳ, được thể hiện bằng 03 mức độ nhằm đảm bảo thống nhất với cách tiếp cận của các cấp học trên và các nước tiên tiến trên thế giới và tạo thuận lợi cho giáo viên trong quá trình biên soạn các câu hỏi/bài tập để xây dựng đề kiểm tra định kỳ.
Quy trình xây dựng các câu hỏi, bài tập theo các mức độ như sau:
Bước 1. Xác định mục tiêu học tập và dự kiến câu hỏi, bài tập theo mục tiêu.
Bước 2. Xây dựng các đáp án có thể chấp nhận được và các đáp án sai mà học sinh (HS) thường mắc phải. Thông thường, sẽ có 3 loại lỗi thường gặp khi HS giải quyết một vấn đề là: lỗi lưu trữ thông tin sai, xử lí thông tin, lỗi chú ý.
Bước 3. Xác định những yếu tố khó của bài này; cách HS tiếp cận các yếu tố đó; dự kiến các bước để HS tiến hành làm bài như thế nào.
Bước 4. Tùy theo yêu cầu về mức độ câu hỏi và mục tiêu, có thể tăng hoặc giảm độ khó bằng cách tăng hay giảm thông tin trong câu hỏi.
Qua việc triển khai, hướng dẫn xây dựng ma trận đề, các giáo viên trong trường đã phân tích và đánh giá được các đề kiểm tra định kì chưa đáp ứng yêu cầu; từ đó điều chỉnh các đề kiểm tra định kì đúng theo quy định, phù hợp trình độ, năng lực học sinh.
Buổi tập huấn đã giúp nâng cao năng lực giáo viên về đánh giá định kì các môn học theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT; củng cố việc xây dựng ma trận đề, thiết kế đề kiểm tra định kì theo ma trận, theo các tiêu chí, mức độ quy định giúp đánh giá đúng, thúc đẩy sự hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.