Mùa mưa đã đến, những cơn mưa làm cho khí hậu bớt nóng khiến mọi người cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, mùa mưa cũng là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi và phát triển, do đó bệnh sốt xuất huyết cũng theo đó mà bùng phát nhiều hơn. Trường Tiểu học Phạm Tu gửi tới quý thầy cô, các bậc phụ huynh và các em học sinh về những điều cần biết về bệnh sốt xuất huyết để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
1. Sốt xuất huyết là gì?
Bệnh sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm trùng do virus Dengue gây ra. Nó gây ra sốt, xuất huyết, truỵ tim mạch và có thể tử vong nếu không xử trí kịp thời và đúng đắn.
Bệnh sốt xuất huyết được lây truyền từ người bệnh sang người lành bởi con muỗi vằn Aedes aegypty. Muỗi thường sống xung quanh nhà. Muỗi cái thường hút máu người bệnh vào ban ngày và chích vào người lành làm lây lan bệnh.
2. Các dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết
– Sốt cao đột ngột kèm theo đau nhức mình mẩy, nhức đầu, đau khớp, chán ăn, ói mửa, đau họng.
– Đau bụng vùng thượng vị (vùng bụng ở ngay dưới mũi xương ức), hoặc đau vùng dưới bờ sườn bên phải. Nếu sờ dưới bờ sườn phải có thể thấy gan to.
– Có thể kèm theo co giật khi sốt cao.
– Nổi các nốt xuất huyết dưới da, là các điểm xuất huyết li ti. Nếu dùng dây garot thắt cánh tay khoảng 5 – 10 phút thì sẽ thấy xuất hiện các nốt xuất huyết rất nhiều, có khi tạo thành mảng.
– Nếu bệnh nặng có thể xuất huyết đường tiêu hoá gây ói ra máu, tiêu ra máu.
– Nặng hơn nữa thì xuất huyết não, màng não dễ bị tử vong.
– Trạng thái sốc: thường rơi vào ngày sốt thứ 3 – 5. Bệnh nhân bứt rứt, lừ đừ, tay chân lạnh, tím tái, thở nhanh, mạch yếu có khi không bắt được, huyết áp hạ không đo được, huyết áp kẹp (là trị số giữa huyết áp tối đa và tối thiểu< 20mmHg).
3. Cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết
– Dùng thuốc xịt muỗi, nhang diệt muỗi, vợt muỗi bằng điện…
– Thoa kem chống muỗi đốt, mặc quần áo dài tay đối với trẻ em, ngủ mùng kể cả ban ngày…
– Sắp xếp quần áo, đồ vật trong nhà gọn gàng, ngăn nắp.
– Thường xuyên cọ, súc rửa các dụng cụ dùng để chứa nước, dùng bàn chà chà sát để loại bỏ trứng muỗi bám vào thành dụng cụ. Đậy nắp không cho muỗi vào đẻ trứng.
– Đối với những dụng cụ chứa nước lớn không thể xúc rửa hoặc đậy nắp được ta có thể thả cá diệt lăng quăng, bọ gậy.
– Đối với các dụng cụ khác: bát kê chân chạn, lọ hoa, chậu cây cảnh… thay nước ít nhất một lần trong một tuần, cho muối ăn hoặc dầu lin vào bát kê chân chạn, cọ rửa thành của vật dụng để loại bỏ trứng.
– Loại trừ ổ bọ gậy bằng cách phá hủy hoặc loại bỏ những ổ nước tự nhiên hay nhân tạo trong và xung quanh nơi ở:
- Thu dọn rác (các loại chai, lọ, bát, lu vỡ, vở hộp nhựa, lớp xe hỏng, vỏ gáo dừa…)
- Lấp các hốc cây bằng xi măng, cát, sửa chữa các máng nước bị hỏng, khơi thông cống rãnh bị tắc nghẽn.
- Dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà sạch sẽ.
Vì sức khỏe của mỗi gia đình và của cả cộng đồng. Nhà trường kêu gọi tất cả mọi người hãy quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết với khẩu hiệu: “Không có lăng quăng, không có muỗi vằn, không có sốt xuất huyết”.